• Chào mừng bạn đến với Đặc Sản Tuyên Quang

Doanh nghiệp, doanh nhân Tuyên Quang: Vững bước hội nhập

20:48 18/07/2023 Admin

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” là câu chuyện về nghị lực, bản lĩnh vượt qua sóng gió thương trường của các doanh nghiệp, doanh nhân Tuyên Quang để vững bước trên con đường hội nhập. Họ luôn tìm hướng đi mới, chủ động tái cấu trúc lại mô hình hoạt động, kịp thời nắm bắt và nghiên cứu thị trường, tích cực tìm cơ hội hợp tác, thực sự là những “chiến sỹ” trên mặt trận kinh tế.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Trước những biến động về giá cả thị trường, trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Nhưng bằng ý chí và sự tôi rèn trong gian khó của người đứng đầu, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua trở thành điển hình trong sản xuất kinh doanh.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa có thời điểm lao đao, song người “thuyền trưởng” Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty đã lao tâm tìm hướng giải quyết, giúp công ty vượt qua sóng gió. Năm 2015, công ty rất thiếu vốn, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng không thuận lợi. Trước bối cảnh đó, ngoài vốn Điều lệ của Nhà nước, ông Tuấn bàn với Ban Giám đốc Công ty mạnh dạn huy động nguồn vốn của cán bộ, công nhân viên công ty và các cá nhân, tổ chức cùng chung ý nguyện trồng và phát triển gỗ rừng trồng nhằm đảm bảo kinh phí tổ chức sản xuất kinh doanh. Công ty đã sắp xếp lại tổ chức, xây dựng phương án sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu chia sẻ kinh nghiệm hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Tuấn là một kỹ sư lâm sinh giỏi chuyên môn nên rất “cừ” trong tư vấn quản lý lập dự án, lập dự án đầu tư, lập dự toán công trình lâm sinh trong trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đồng thời, ông còn trực tiếp xây dựng kế hoạch và duy trì tốt chương trình quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC làm cơ sở tham gia tích cực và chủ động quá trình hội nhập. Đặc biệt, từ năm 2016, công ty duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế GFA góp phần nâng cao giá trị của gỗ rừng trồng. Hiện nay, công ty quản lý trên 6.900 ha rừng tại 14 xã, thị trấn của huyện Chiêm Hóa, tạo việc làm cho trên 70 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Sự nỗ lực đã được ghi nhận khi ông được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu doanh nhân tiêu tiểu năm 2019.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Phẩm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ 232 trải lòng về những khó khăn của công ty khi chuyển đổi cơ chế từ công ty Nhà nước thành công ty cổ phần. Ông Phẩm đã lãnh đạo công ty ổn định sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa, đặc biệt sau khi Nhà nước thoái vốn 100% vào cuối năm 2014. Khó khăn nối tiếp khó khăn trong bối cảnh thiếu vốn lưu động, trong khi đó các công trình duy tu, bảo dưỡng bắt đầu phải thực hiện đấu thầu. Với năng lực và bề dày kinh nghiệm, công ty đã trúng thầu ngày càng nhiều các công trình duy tu bảo dưỡng sửa chữa đường bộ trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh, được các chủ đầu tư tin cậy vì tiến độ chất lượng công trình. Doanh thu của công ty tăng lên hàng năm. Năm 2016, công ty đạt doanh thu đạt trên 48,8 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt doanh thu trên 73,7 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 100 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng. Với những đóng góp của mình, doanh nhân Nguyễn Ngọc Phẩm vinh dự được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu doanh nhân tiêu biểu năm 2019.

Năm 2017, Công ty cổ phần Giấy An Hòa rơi vào khủng hoảng do thiếu nguyên liệu đầu vào, có thời điểm phải tạm ngừng hoạt động. Trước tình trạng đó, công ty đã tổ chức thu mua trực tiếp đến các chủ rừng, công khai bảng giá thu mua nguyên liệu đến đông đảo người dân. Đồng thời, hàng quý tổ chức hội nghị khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong việc trồng, chăm sóc hay bán nguyên liệu cho nhà máy của người dân. Công ty xây dựng các trạm thu mua nguyên liệu tại các huyện đã giúp người dân bán sản phẩm trực tiếp cho nhà máy, không còn tình trạng bị tư thương ép giá. Những biện pháp cụ thể được triển khai, công ty đã vững vàng phát triển, doanh thu mỗi năm đạt hơn 3.200 tỷ đồng, nộp ngân sách năm 2018 là 140 tỷ đồng, dự kiến năm nay đóng góp 170 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho hơn 800 lao động với thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện công ty đang duy trì hoạt động hiệu quả 2 nhà máy và đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy bột giấy công suất 150 nghìn tấn/năm trong quý III này. Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, công ty vinh dự được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu doanh nghiệp tiêu biểu năm 2019.

 

Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa kiểm tra cây giống phục vụ trồng rừng.  
Ảnh: Trần Liên

Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển

Những năm gần đây, tỉnh đã thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với mục tiêu xuyên suốt “Doanh nghiệp phát tài, Tuyên Quang phát triển”. Từ linh hoạt các chính sách ưu đãi, tỉnh đã cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lãnh đạo tỉnh đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp làm việc với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vốn, nguyên liệu, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, triển khai các dự án trên địa bàn. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ, cung cấp thông tin, tiềm năng, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Do đó, đã thu hút các nhà đầu tư đến khảo sát và triển khai các dự án trên địa bàn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Woodsland, Hiệp hội Da giày Việt Nam... Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp ít nhất 2 lần/năm thông qua Hội nghị đối thoại và Chương trình Cà phê doanh nhân hàng quý để trao đổi về cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đề ra giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần PCI.

Các cơ quan chức năng của tỉnh đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Từ 2016 - 2018, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện miễn, giảm thuế cho 815 lượt doanh nghiệp, với tổng số tiền miễn, giảm 47 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cơ cấu lại thời gian trả nợ giúp các doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, tìm hướng đầu tư hiệu quả. Từ năm 2016 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau cho 223 doanh nghiệp với tổng dư nợ 464,773 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay các doanh nghiệp năm 2018 đạt 4.581 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2016. 

Sự đồng hành của tỉnh là điểm tựa để các doanh nghiệp bứt phá, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 1.651 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 17.008,5 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 27.736,8 tỷ đồng, tăng 40,6% so với năm 2016. Tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018 là 739,8 tỷ đồng, tăng 58,5% so với năm 2016. Trong 3 năm qua, các doanh nghiệp đã đóng góp ngân sách địa phương 3.024,2 tỷ đồng; tạo việc làm cho 45.947 lao động với thu nhập bình quân đạt 5,8 triệu đồng/người/tháng. 

Nhằm tôn vinh những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, năm 2019 là lần thứ III, UBND tỉnh tổ chức trao tặng danh hiệu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, trong đó có 8 doanh nhân và 9 doanh nghiệp được trao tặng. Đây thực sự là động lực để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ra sức thi đua, đổi mới sáng tạo, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng phát triển.      

Bài viết liên quan

22:27 18/07/2023

Chè Khau Mút, xã Thổ Bình (Lâm Bình) được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn vào tháng 5-2017.

22:17 18/07/2023

Rượu Ngô men lá Thức Mần là thương hiệu nổi tiếng tại Xã Sơn Phú, huyện Na Hang. Rượu được chưng cất thủ công từ ngô bản địa, men lá rừng, nước khe nguồn,… Rượu uống rất êm, có mùi thơm độc đáo, không gây đau đầu.

22:14 18/07/2023

Bún khô Đà Vị từ lâu là một món ăn đặc trưng của người Tày, bún được làm thủ công và tỉ mỉ, nguyên liệu là gạo Bao Thai được trồng trên những cánh đồng ruộng bậc thang vùng cao của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

21:14 18/07/2023

Nếu như người miền Nam thường thích cho vị ngọt của đường vào các món ăn, người miền Trung thì không thể thiếu vị cay của ớt thì trong cơ cấu bữa ăn của cộng đồng người dân tộc Tày các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và người Tày tỉnh Tuyên Quang nói riêng thường có vị chua và đắng.

21:00 18/07/2023

Ngày 10/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu lần thứ IV năm 2022.

20:21 18/07/2023

Chè Shan Kia Tăng là sản phẩm của Công ty cổ phần chè núi Kia Tăng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Núi Kia Tăng thuộc địa phận xã Hồng Thái có khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ, đất đai phì nhiêu là điều kiện lý tưởng để trồng các loài cây đặc sản như mận, lê, chè Shan tuyết.

Liên hệ với chúng tôi theo Hotline:

0942360345

Giỏ hàng của bạn