• Chào mừng bạn đến với Đặc Sản Tuyên Quang

Gạo chất lượng cao Kim Phú

00:16 18/07/2023 Admin

Cánh đồng Vinh Phú, xã Kim Phú (Yên Sơn) hay còn gọi là cánh đồng “50 triệu”. Sở dĩ có tên gọi đó là bởi sau khi cánh đồng được cải tạo bà con lấy mục tiêu phấn đấu đạt giá trị canh tác 50 triệu đồng/ha. Ngày nay, nhờ sản xuất gạo chất lượng cao và có được thương hiệu thì hiệu quả kinh tế đã vượt 50 triệu đồng/ha.

Anh Dương Đình Nhất, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 9 giới thiệu sản phẩm gạo Kim Phú chất lượng cao       

        Ông Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã Kim Phú kể lại, trước đây cánh đồng Vinh Phú không bằng phẳng như thế này, nhiều khu ruộng bậc thang nhỏ, có tới trên 1.000 thửa đất. Năm 2003, tỉnh cho tiến hành cải tạo lại cánh đồng, rút còn 27 thửa, 3 bậc thang. Hệ thống kênh mương trải dài dẫn nước từ 4 hồ chứa quanh vùng, trong đó có cả hồ Ngòi Là và các con suối của xã Phú Lâm. Nhờ đó, Kim Phú trở thành vựa lúa lớn nhất của huyện Yên Sơn. 

        Từ năm 2010 xã áp dụng thí điểm một số giống lúa chất lượng cao vào canh tác. Sau một thời gian khảo nghiệm, có 2 giống lúa được lựa chọn đó là lúa dự thơm và bắc thơm số 7 là phù hợp. 

        Năm 2013, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ xã xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao Kim Phú, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm gạo. Gạo chất lượng cao Kim Phú có vị ngọt thơm đậm, hạt gạo chắc, mẩy, dài, khi nấu chín hạt cơm không bị nát, dẻo, khi nắm không bị dính tay. Sau khi có thương hiệu, gạo Kim Phú được nhiều người biết, sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường.

Sản phẩm gạo Kim Phú chất lượng cao được giới thiệu tại Hội chợ.

        Hiện sản xuất gạo chất lượng cao Kim Phú do Hợp tác xã Kim Phú đảm nhiệm các khâu từ cung ứng giống, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu và thu mua đóng gói. Anh Dương Đình Nhất, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 9 đồng thời là thành viên Hợp tác xã phụ trách hoạt động thu mua gạo cho biết, bà con tham gia sản xuất gạo chất lượng cao đều phải đăng ký mua giống và ký các cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn mà Hợp tác xã quy định.

        Căn cứ vào lượng giống cung ứng thì hiện toàn xã Kim Phú có trên 200 ha lúa chất lượng cao. Trồng lúa gạo chất lượng cao đem lại hiệu quả cao hơn 45 đến 50% so với sản xuất gạo thường. Năng suất đạt 1,8 đến 2 tạ/sào nhưng giá bán thì cao hơn. Gạo thường hiện giá bán 10.000 đồng/kg, gạo chất lượng cao bà con bán 15.000 đồng/kg; gạo đã đóng gói với bao bì, nhãn mác đã được đăng ký giá bán 20.000 đồng/kg. Hợp tác xã có 2 điểm bán gạo ở thành phố Tuyên Quang và 1 điểm tại thành phố Hà Nội. 

        Ông Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã Kim Phú nhấn mạnh, tới đây, xã tìm kiếm nhà đầu tư có thể tích tụ ruộng đất sản xuất gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà con tham gia góp cổ phần bằng ruộng đất hoặc thành lập các tổ hợp tác chuyên sản xuất gạo chất lượng cao do một người đứng ra quản lý. Hiện xã đang xác định phương án để tổ chức thực hiện.

        Vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã hỗ trợ Hợp tác xã Kim Phú 100 triệu đồng để xây dựng xưởng chế biến gạo, làm mới bao bì. Dự kiến, nhà xưởng sẽ được đầu tư trong thời gian tới. Khi có xưởng chế biến đáp ứng được khâu bao tiêu sản phẩm cho bà con, đáp ứng được những đơn hàng lớn, nâng cao giá bán gạo trên thị trường, bảo đảm quyền lợi của người sản xuất./.

 NÂNG TẦM GẠO KIM PHÚ

        Với thổ nhưỡng tốt cùng sự cần cù, sáng tạo của người dân Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã xây dựng và hình thành thương hiệu “Gạo Kim Phú” nổi tiếng gần xa.

        Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã Kim Phú kể, xã có 720 ha lúa, được ví là vựa lúa lớn nhất tỉnh. Trong đó, có 3 cánh đồng lúa Vinh Phú, Tân Long và Làng Cóc nằm sát nhau rộng tới 300 ha (nay thuộc các thôn 1 đến thôn 10). Trước đây, các cánh đồng này là những khu ruộng bậc thang nhỏ. Năm 2003, tỉnh tiến hành cải tạo làm cho cánh đồng trở nên bằng phẳng hơn, với 31 lô, cùng với hệ thống kênh mương được kiên cố hóa dẫn nước đến từng chân ruộng, phục vụ sản xuất hiệu quả hơn. 

        Với sự cần cù, chịu khó người dân bắt tay vào chuyển đổi giống lúa, cải tạo đất đai, áp dụng kỹ thuật canh tác mới. Năm 2010, niềm hy vọng đã đến khi xã được chọn tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của thành phố, được ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất... Đất không phụ công người, các giống lúa thuần, thơm ngon được trồng trên đất Kim Phú liên tiếp cho những mùa vàng, chất lượng gạo được đánh giá cao. Sau một thời gian khảo nghiệm, có 2 giống lúa rất phù hợp với đồng đất nơi đây, đó là lúa dự hương và bắc thơm. Được sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, xã xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao Kim Phú và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu vào năm 2013. Gạo chất lượng cao Kim Phú có vị ngọt thơm đậm, hạt gạo chắc, mẩy, dài, khi nấu chín hạt cơm không bị nát, lại dẻo...

Gạo chất lượng cao Kim Phú được bán và giới thiệu tại thành phố Tuyên Quang.

        Nguồn nước tưới cho lúa được dẫn từ 4 hồ chứa quanh vùng, trong đó có cả hồ Ngòi Là và các con suối của phường Mỹ Lâm chảy ra vừa sạch, vừa trong, đến mùa cấy bà con chỉ việc dẫn nước về ruộng. Chị Đỗ Thị Hồng ở thôn 6 bảo rằng, gạo Kim Phú ngon là bởi những thửa ruộng lúa luôn được nắng, nguồn nước sạch, gạo bảo đảm chất lượng. Sau khi có thương hiệu, sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường.

        Hiện sản xuất gạo chất lượng cao Kim Phú do HTX Nông lâm nghiệp Kim Phú đảm nhiệm các khâu từ cung ứng giống, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu và thu mua đóng gói. Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Kim Phú Nguyễn Ngọc Thịnh cho biết, bà con tham gia sản xuất gạo chất lượng cao đều phải đăng ký mua giống và ký các cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn mà HTX quy định. Trồng lúa chất lượng cao đem lại hiệu quả hơn so với sản xuất lúa thường. Năng suất lúa đạt 2 - 2,2 tạ/sào nhưng giá bán gạo thì cao hơn 40% so với gạo thường. Gạo hiện có giá bán 12.000 đồng/kg, gạo chất lượng cao đã đóng gói với bao bì, nhãn mác đã được đăng ký là 20.000 đồng/kg. Hợp tác xã hiện có 2 điểm bán gạo ở thành phố Tuyên Quang và 1 điểm tại thành phố Hà Nội. 

        Từ kết quả sản xuất lúa chất lượng cao, những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Hiệu quả lớn nhất là nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích canh tác. Ông Trần Văn Tuân, thôn 3, xã Kim Phú phấn khởi nói, vụ này, gia đình ông cấy 15 sào lúa dự hương và bắc thơm, năng suất đạt 2 tạ/sào. Lúa còn chưa phơi xong đã có thương lái đặt mua. Nếu quy ra gạo thì được 2 tấn, với giá bán gạo chưa qua đóng gói là 15 - 17 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu được 30 - 35 triệu đồng. Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất gạo chất lượng cao, bí quyết ông rút ra là thu hoạch vào thời điểm lúa chín được khoảng 85 - 90%, sau trỗ 25 - 28 ngày thì cho chất lượng gạo ngon nhất.

        Năm 2020, để đáp ứng nhu cầu thị trường, xã đã thực hiện đề án quy hoạch vùng lúa chất lượng cao sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 300 ha. Đồng thời, HTX Nông lâm nghiệp Kim Phú phối hợp cùng HTX Nông lâm nghiệp Ỷ La (TP Tuyên Quang) làm việc với Công ty Giống cây trồng Trung ương (Hà Nội) triển khai ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm ở 2 địa bàn. Đây là cơ hội để xã mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao trong thời gian tới. Trong vụ Đông xuân 2020 - 2021, HTX đứng ra ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương và ký hợp đồng sản xuất với người dân cung cấp giống, vật tư, phân bón. Đồng thời, thu mua sản phẩm, đóng gói, tích trữ, bảo quản sản phẩm theo quy chuẩn để cung cấp gạo theo định kỳ hàng tháng cho công ty./.

Nguồn: http://dacsantuyenquang.com.vn/SanPham/12/Gao_chat_luong_cao_Kim_Phu

Bài viết liên quan

22:27 18/07/2023

Chè Khau Mút, xã Thổ Bình (Lâm Bình) được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn vào tháng 5-2017.

22:17 18/07/2023

Rượu Ngô men lá Thức Mần là thương hiệu nổi tiếng tại Xã Sơn Phú, huyện Na Hang. Rượu được chưng cất thủ công từ ngô bản địa, men lá rừng, nước khe nguồn,… Rượu uống rất êm, có mùi thơm độc đáo, không gây đau đầu.

22:14 18/07/2023

Bún khô Đà Vị từ lâu là một món ăn đặc trưng của người Tày, bún được làm thủ công và tỉ mỉ, nguyên liệu là gạo Bao Thai được trồng trên những cánh đồng ruộng bậc thang vùng cao của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

21:14 18/07/2023

Nếu như người miền Nam thường thích cho vị ngọt của đường vào các món ăn, người miền Trung thì không thể thiếu vị cay của ớt thì trong cơ cấu bữa ăn của cộng đồng người dân tộc Tày các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và người Tày tỉnh Tuyên Quang nói riêng thường có vị chua và đắng.

21:00 18/07/2023

Ngày 10/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu lần thứ IV năm 2022.

20:48 18/07/2023

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” là câu chuyện về nghị lực, bản lĩnh vượt qua sóng gió thương trường của các doanh nghiệp, doanh nhân Tuyên Quang để vững bước trên con đường hội nhập. Họ luôn tìm hướng đi mới, chủ động tái cấu trúc lại mô hình hoạt động, kịp thời nắm bắt và nghiên cứu thị trường, tích cực tìm cơ hội hợp tác, thực sự là những “chiến sỹ” trên mặt trận kinh tế.

Liên hệ với chúng tôi theo Hotline:

0942360345

Giỏ hàng của bạn